image banner
Những biện pháp ôn thi đạt hiệu quả cao
Học sinh học tập đạt hiệu quả cao là tâm niệm của mỗi người học sinh, là niềm vui của các thày cô, là hạnh phúc của các gia đình và là mong muốn của toàn xã hội.
Muốn đạt hiệu quả cao, mỗi học sinh phải bền bỉ phấn đấu trong suốt quá trình học tập từ bậc học đầu tiên và phải nỗ lực hàng ngày hàng giờ của từng năm học.

      Sắp bước sang  giai đoạn thực hiện những bài học cuối  của chương trình và ôn luyện để kiểm tra đánh giá kết quả cả năm học. Học sinh lớp 9 phấn đấu để đạt kết quả cao trong kỳ kiểm tra cuối năm để dự xét tốt nghiệp Trung học cơ sở và chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10, những em khá giỏi dự thi tuyển vào Trường Trung học phổ thông chuyên của tỉnh, có em phán đấu dự thi vào khối chuyên của Trường đại học.  Học sinh lớp 12 dốc sức ôn luyện để dự kỳ thi THPT quốc gia khá cam go.

      Thi để đạt điểm cao chỉ là mục tiêu cụ thể trước mắt. Bản chất của các kỳ thi là kiểm định chất lượng để đánh giá kết quả kiến thức và kỹ năng nhằm lựa chọn học sinh học tiếp lên bậc học trên hoặc bước vào cuộc sống. Quá trình hướng tới kỳ thi là quá trình học sinh hoàn thiện kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Vì vậy giai đoạn ôn thi có vai trò rất quan trọng.

      Ôn luyện kiến thức và kỹ năng như thế nào để đạt hiệu quả cao.

      Trước hết, cần xác định ôn luyện kiến thức và rèn luyện kỹ năng để bồi đắp tri thức và rèn luyện phương pháp suy nghĩ làm hành trang cho mình trên chặng đường học tập sắp tới và học tập suốt đời. Trong khoa học tâm lý, xác định mục đích ghi nhớ và mục đích làm việc có ý nghĩa rất quan trọng. Xác định mục đích lâu dài thì sẽ hứng thú với kiến thức, sẽ nhớ lâu, nhớ hệ thống, vừa làm giàu cho vốn tri thức, vừa đạt mục đích trước mắt là thi cử tốt. Nếu chỉ chăm chăm lo cho kỳ thi, lo làm bài thi sẽ khó tránh khỏi tình trạng đối phó, đoán già đoán non, ít hứng thú, khó hệ thống kiến thức, ít hiệu quả cho kỳ thi, và thi xong, kiến thức thường bị lãng quên, khó khăn cho việc học tiếp tục và vốn liếng cho cuộc sống sẽ nghèo nàn.

      Cần tạo cho mình ý thức trách nhiệm với chính cuộc đời mình trong học tập, đã xác định từ trước thì củng cố cho vững chắc, ý thức chưa cao thì tự xác định để có nghị lực ở giai đoạn nước rút. Học cho chính mình, học để khẳng định mình trong cuộc sống lâu dài. Đồng thời sự học của mỗi người  còn là trách nhiệm trước gia đình, trước thày cô và cộng đồng xã hội, từ đó đó có tâm thế tự tin với những vốn liếng kiến thức đã có, quyết tâm bù đắp, ôn luyện để khắc phục những thiếu hụt, những non yếu trong từng môn học.

     Rất cần tự đánh giá đúng mức thực lực của mình về từng môn, phần nào đã vững vàng, phần nào còn thiếu hụt và mạnh yếu ra sao về kỹ năng suy nghĩ, tính toán và diễn đạt, từ đó xây dựng một chương trình kế hoạch trong thời gian ôn luyện. Từ kế hoạch ấy, đặt ra lịch học tập ôn luyện từng môn và sinh hoạt cụ thể hàng ngày. Sau mỗi ngày lại tự nhìn nhận đánh giá để rút kinh nghiệm. Nếu chưa đạt chương trình đề ra thì quyết tâm thực hiện bằng được trong ngày tiếp theo. Rất cần có thời gian nghỉ ngơi thư giãn để tạo hưng phấn trong ôn luyện. Thực hiện nền nếp như thế chẳng những đạt hiệu quả cao trong ôn luyện kiến thức mà còn tạo nên kỹ năng sống và làm việc có nền nếp, một yếu tố rất quan trọng của con người trong thời đại công nghệ hiện đại.

      Phương pháp ôn luyện tốt nhất là kết hợp ôn kiến thức với rèn luyện kỹ năng. Với những môn thi trắc nghiệm, vừa học kỹ lý thuyết để nhận biết xác định câu trả lời đúng thật nhanh, đồng thời tích cực làm bài tập để có kỹ năng tìm ra kết quả nhanh nhất. Với môn toán, rất cần nắm vững lý thuyết để vận dụng giải bài một cách thuần thục. Mỗi môn đều có những nhóm, những dạng bài. Cần ôn luyện đủ các dạng để có kiến thức và kỹ năng hệ thống. Cần giải và trình bày hoàn chỉnh một số bài theo từng dạng rồi tự mình kiểm định tìm ra những sai sót để chấn chỉnh.

      Với môn Văn, Lịch sử và Địa lý ôn tập theo cách tự lập đề cương rồi ôn theo từng chương bài để nắm vững các đơn vị kiến thức. Không nên ôn theo kiểu đọc từng lượt bài trong sách mà nên ôn theo cách đọc hiểu, tức là đọc và tìm ra những luận điểm, những nội dung cơ bản, sau dó tự hệ thống lại những nội dung đó. Tự mình nói lại hoặc viết lại đề cương rồi tự đánh giá, hoặc đôi bạn kiểm tra lẫn nhau theo kiểu vấn đáp, vừa dễ thuộc, vừa rèn luyện kỹ năng. Môn Lịch sử có nhiều số liệu về năm tháng sự kiện và số liệu tương ứng. Môn Địa lý có rất nhiều số liệu về điều kiẹn tự nhien, xã hội, về các ngành kinh tế. Mỗi người ghi nhớ số liệu theo cách riêng của mình. Cần biết chọn những số liệu cơ bản, có sự so sánh đối chiếu thì dễ nhớ và nhớ lâu. Đề cương không nên làm dài, mất nhiều thì giờ, chỉ nên tóm tắt mỗi nội dung cơ bản bằng một con số, một từ, một cụm từ của câu chốt rồi ghi nhớ. Khi làm bài, từ các chốt ấy phát triển ra nội dung hoàn thiện.

      Cần biết thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để luôn giữ được trạng thái hưng phấn trong học tập. Cần tránh những tác động gây phân tán tinh thần hoặc gây khó chịu, ức chế làm hạn chế hiệu quả ôn luyện. Phương châm quan trọng cần thực hiện là: Tập trung tinh thần, tận dụng thời gian, vừa ôn vừa luyện. Các em học sinh lớp cuối cấp vùng cao cần nên về ở bán trú hoặc trọ gần trường để có đủ thời gian cho ôn luyện và có điều kiện trao đổi với bạn bè và được các thày cô phụ đạo, hướng dẫn nhiều hơn.

      Các bậc cha mẹ cần tạo điều kiện tốt cho con trong thời kỳ ôn luyện, nhắc con thực hiện nền nếp, chăm sóc sức khoẻ đúng mức, tạo sự yên tĩnh, khích lệ, động viên để tạo hưng phấn, không gây những tác động ức chế, không tạo sức ép tâm lý nặng nề. Rất cần gặp gỡ các thầy giáo cô giáo để có sự tư vấn, trao đổi để quan tâm đúng phương pháp.

      Chúc các em ôn luyện với quyết tâm cao, có phương pháp hợp lý, sáng tạo và tự tin để bước vào kỳ thi với tâm thế vững vàng, phấn chấn, đạt kết quả cao. (Sưu tầm)
Tin khác
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt!